Tương tự như các mối quan hệ khác, hôn nhân chỉ bền vững khi có sự nỗ lực từ cả hai phía. Khi chung sống, bất cứ vấn đề nào trong cuộc sống cũng đều có thể dẫn đến xung đột và tranh cãi. Thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ những vấn đề thường gây ra mâu thuẫn trong cuộc sống hôn nhân.
Những vấn đề thường gây mâu thuẫn trong hôn nhân
Trong đời sống hôn nhân, việc tranh cãi và mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi. Thực tế, mỗi người đều là những cá thể khác biệt và khi bắt đầu chung sống đều không thể tránh khỏi những vấn đề phát sinh. Cũng chính vì vậy mà hôn nhân được xem là một chặng đường dài mà các cặp đôi phải hoàn thiện mình để xây dựng tổ ấm hạnh phúc bền vững.
Tuy nhiên trên thực tế, không phải mâu thuẫn nào trong gia đình cũng có thể hóa giải. Những mâu thuẫn liên tiếp xảy ra có thể khiến đời sống hôn nhân trở nên nặng nề, cả hai mệt mỏi và đôi khi đi đến quyết định chia tay. Vì vậy, mỗi cá nhân cần có sự chuẩn bị cả về thể chất, kinh nghiệm sống và tài chính để có thể bước vào cuộc sống hôn nhân một cách vững vàng nhất.
Để hạn chế tranh cãi trong cuộc sống vợ chồng, bạn nên tìm hiểu một số vấn đề thường gây ra mâu thuẫn trong hôn nhân gia đình:
1. Ngoại tình
Ngoại tình là nguyên nhân phổ biến gây ra mâu thuẫn trong gia đình. Thực tế, tất cả mọi người đều không thể chấp nhận vợ hoặc chồng mình có tình cảm với người thứ ba – dù là ngoại tình trong tư tưởng. Hôn nhân bao gồm rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất vẫn là tình yêu và sự chung thủy. Vì vậy, không ít người có thể chấp nhận nhiều thiếu sót ở “nửa kia” nhưng không thể bỏ qua nếu bị phản bội.
Theo các chuyên gia, tất cả những người ngoại tình đều biết hành vi của mình là sai trái nhưng không thể dừng lại ngay cả khi đang có một gia đình rất hạnh phúc. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ngoại tình như yêu thích cảm giác hứng thú khi duy trì một mối quan hệ bị cấm đoán, tìm được những cảm giác mới lạ không có ở bạn đời, vợ chồng không hòa hợp hoặc chỉ đơn giản là muốn khẳng định bản thân.
Dù ngoại tình do bất cứ nguyên nhân nào, người vợ/ chồng cũng rất khó để chấp nhận. Ở nước ta, tỷ lệ đàn ông ngoại tình cao hơn so với phụ nữ nhưng tỷ lệ ly hôn do nữ giới ngoại tình lại cao hơn. Điều này bắt nguồn từ quan niệm cổ hủ từ thời phong kiến cho rằng đàn ông khó tránh khỏi thói trăng hoa, trong khi phụ nữ bắt buộc phải có phẩm hạnh.
Dù quyết định ly hôn hay chấp nhận tiếp tục sống chung, ngoại tình thực sự là nguyên nhân hàng đầu của sự đổ vỡ. Thực tế cho thấy, hầu hết những cặp đôi hàn gắn sau khi ngoại tình đều không thể có được tình cảm sâu đậm như trước. Ngoài ra, đây cũng chính là nguồn cơn của nhiều mâu thuẫn xảy ra trong tương lai.
2. Không hòa hợp chuyện “chăn gối”
Tình dục là yếu tố không thể thiếu trong đời sống hôn nhân. Vì vậy, không hòa hợp về chuyện “chăn gối” cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng. Khi một trong hai người có vấn đề về tình dục, người còn lại sẽ cảm thấy không thoải mái, thậm chí khó chịu. Trong khi đó, người có vấn đề cũng sẽ rơi vào trạng thái buồn bã, tự ti, luôn né tránh gần gũi và ít khi thân mật với bạn đời.
Dù không phải là yếu tố duy nhất nhưng tình dục không hòa hợp thật sự gây ra khá nhiều mâu thuẫn, nhất là các cặp đôi bị vô sinh – hiếm muộn trong khi gia đình thường xuyên gây áp lực về việc sinh nở. Ngoài ra, các cặp đôi có nhu cầu tình dục chênh lệch cũng rất dễ nảy sinh vấn đề. Người có ham muốn thấp thường né tránh chuyện “giường chiếu” trong khi người có ham muốn cao luôn muốn được giải tỏa. Đây cũng là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến việc ngoại tình.
3. Mâu thuẫn về vấn đề tài chính
Có thể thấy, tài chính là nguyên nhân phổ biến dẫn đến mâu thuẫn trong các mối quan hệ bao gồm cả cuộc sống hôn nhân. Mâu thuẫn có thể nảy sinh khi 1 trong 2 người chênh lệch về nguồn thu nhập, thói quen chi tiêu khác biệt và có định hướng khác nhau về việc đầu tư, sử dụng tiền.
Ngoài ra, mâu thuẫn về tài chính cũng có thể do 1 trong 2 che giấu việc nợ nần trước hôn nhân. Đa phần những trường hợp này đều rất khó duy trì mối quan hệ bền vững và hầu hết đều đi đến quyết định ly dị, ly thân trong một thời gian ngắn. Trong xã hội hiện nay, tài chính thực sự là vấn đề rất quan trọng để duy trì cuộc hôn nhân hạnh phúc. Những vấn đề sinh ra do thiếu thốn tài chính đều khiến cả hai khó giữ được sự bình tĩnh, cảm thấy ngột ngạt và bức bối khi chung sống.
4. Ghen tuông quá mức
Ghen tuông là cảm xúc tiêu cực nảy sinh khi bạn đời có những hành vi thân thiết với người khác giới. Cảm xúc này được xem à “gia vị của tình yêu” giúp cả hai thấu hiểu và quan tâm hơn đến đối phương. Tuy nhiên, ghen tuông quá mức lại thực sự là vấn đề và là nguồn cơn của nhiều mâu thuẫn trong cuộc sống hôn nhân.
Thực tế cho thấy, có không ít người kiểm soát vợ/ chồng quá mức dẫn đến nhiều phiền toái trong cuộc sống, thậm chí ảnh hưởng không nhỏ đến công việc. Việc dò xét thái quá, kiểm tra điện thoại, máy tính,… thường xuyên khiến cho cuộc sống hôn nhân trở nên ngột ngạt và bế tắc.
Vấn đề mà người có tính cách ghen tuông quá mức gặp phải là không nhận thấy bản thân đang có những hành vi thái quá gây khó chịu cho bạn đời và những người xung quanh. Nếu không được hóa giải, không ít người lựa chọn ly hôn để giải thoát cho cả hai.
Trong trường hợp bạn đời có dấu hiệu ghen tuông và nghi ngờ quá mức, thậm chí vô lý, bạn nên xem xét việc trị liệu tâm lý bởi rất có thể bạn đời mắc phải các rối loạn tâm thần như rối loạn nhân cách ranh giới, rối loạn nhân cách hoang tưởng,…
5. Một trong hai người kỳ vọng thiếu thực tế
Khi bước vào cuộc sống hôn nhân, bất kỳ ai cũng đều mong muốn có được tổ ấm hạnh phúc và êm đềm. Tuy nhiên khác với thời gian yêu đương, hôn nhân phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ cuộc sống như tiền bạc, chăm sóc con cái, bố mẹ, bất đồng quan điểm,… Đây đều là những vấn đề mà các cặp đôi phải đối mặt khi bước vào cuộc sống hôn nhân.
Thực tế, không ít người kỳ vọng thiếu thực tế vào hôn nhân, luôn mơ tưởng về người chồng/ vợ hoàn hảo và cuộc sống “màu hồng”. Về cơ bản, không có ai là hoàn hảo tuyệt đối. Vì vậy, những người có kỳ vọng thiếu thực tế có thể thất vọng quá mức khi nhận thấy cuộc sống hôn nhân không như mình mong muốn. Điều này cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tranh cãi, mâu thuẫn.
6. Luôn chú ý đến sai sót của đối phương
Như đã đề cập, không có ai là hoàn hảo tuyệt đối và khi chung sống, những khuyết điểm sẽ dần được bộc lộ theo thời gian. Với những cặp đôi thiếu sự bao dung, đồng cảm, cả hai sẽ luôn chú ý đến sai sót và khuyết điểm của đối phương để trách móc, chì chiết. Thực tế, ngoài tình yêu, hôn nhân còn cần cả sự bao dung và chia sẻ. Vì vậy, hầu hết những cặp đôi này đều không thể xây dựng tổ ấm hạnh phúc và bền vững.
Bất cứ ai cũng đều có những hạn chế và khuyết điểm riêng. Để xây dựng cuộc hôn nhân vững chắc, cả hai nên thẳng thắn trao đổi để cùng nhau nhìn lại bản thân và hoàn thiện hơn thay vì chì chiết, trách móc nhau. Ngoài ra, sự bao dung và cách cư xử khéo léo của bạn cũng giúp cho “nửa kia” cảm thấy thêm trân quý mối quan hệ này.
7. Bạo lực gia đình
Ngoài ngoại tình, bạo lực gia đình thật sự là “nỗi ám ảnh” khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Ở các quốc gia Châu Âu, bạo lực gia đình hoàn toàn không được chấp nhận. Tuy nhiên ở nước ta, không ít phụ nữ phải chịu đựng bạo hành vì mong muốn duy trì gia đình êm ấm và con cái được lớn lên có cả cha lẫn mẹ. Mặc dù vậy, các hành vi bạo lực vẫn là nguồn cơn của mâu thuẫn kéo dài.
Sau một thời gian chịu đựng, không ít người đã mạnh mẽ chấm dứt ly hôn. Ngày nay với sự phát triển của xã hội, suy nghĩ của mọi người về hôn nhân và việc ly dị đã thoáng hơn rất nhiều. Chính vì vậy, rất nhiều người đã dứt khoát ly dị do phải chịu đựng các hành vi bạo lực từ người chồng/ vợ của mình. Ly hôn không chỉ giải phóng cho cả hai mà còn giúp con cái phát triển về tâm lý, nhân cách khỏe mạnh, tránh sự móp méo trong tâm hồn khi thường xuyên phải chứng kiến các hành vi bạo lực.
8. Bất đồng quan điểm sống
Bất đồng quan điểm sống cũng là vấn đề gây ra nhiều mâu thuẫn trong cuộc sống hôn nhân. Sự khác biệt về quan điểm sống khiến cả hai không hòa hợp trong thói quen sinh hoạt, nuôi dạy con cái, chăm sóc bố mẹ và quản lý tài chính. Ngoài ra, cách cư xử với những người xung quanh cũng là nguồn cơn của mâu thuẫn vợ chồng.
Thực tế, rất nhiều cặp vợ chồng bất đồng quan điểm sống. Trong trường hợp này, các cặp đôi có 2 lựa chọn. Một là chấp nhận và tôn trọng quan niệm sống của đối phương. Hai là cả hai phải thay đổi để phù hợp với nhau, từ đó hạn chế những mâu thuẫn và tranh cãi nảy sinh trong đời sống vợ chồng.
9. Việc nhà và chăm sóc con cái
Ở nước ta, không ít người vẫn còn quan niệm việc nhà và chăm sóc con cái là dành riêng cho người vợ. Ngoài ra, người vợ cũng phải lo toan việc ở hai bên gia đình để hậu thuẫn giúp chồng phát triển sự nghiệp và có chỗ đứng trong xã hội. Ngày nay, nữ giới đã khẳng định được vai trò không thua kém đàn ông và hoàn toàn có khả năng tạo ra thu nhập cho gia đình. Vì vậy, cả hai phải cùng nhau chia sẻ việc nhà, chăm sóc và nuôi dạy con cái.
Mặc dù vậy nhưng không ít người vẫn giữ quan niệm cổ hủ và đổ dồn trách nhiệm cho người vợ. Chính điều này đã gây ra không ít mâu thuẫn và tranh cãi trong cuộc sống hôn nhân. Nếu không tìm ra giải pháp, mâu thuẫn có thể kéo dài dẫn đến rạn nứt.
10. Mâu thuẫn với gia đình chồng/ vợ
Mâu thuẫn trong hôn nhân đôi khi không bắt nguồn từ hai vợ chồng mà xảy ra do mâu thuẫn với gia đình của chồng hoặc vợ, trong đó thường gặp nhất là mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu. Thực tế khi mẫu thuẫn xảy ra, người đứng giữa (là vợ hoặc chồng) phải có suy nghĩ thấu đáo để đưa ra cách ứng xử khéo léo giúp hai bên hòa giải. Nếu người đứng giữa có cái nhìn phiến diện và cư xử thiếu suy nghĩ, mâu thuẫn có thể trở nên sâu sắc hơn và mối quan hệ hôn nhân sẽ bị đẩy đến bờ vực thẳm.
Lời khuyên khi gặp phải mâu thuẫn trong gia đình
Mâu thuẫn là vấn đề không thể tránh khỏi trong cuộc sống hôn nhân. Tuy nhiên, nếu biết cách hóa giải, cả hai sẽ càng thấu hiểu và yêu thương nhau hơn. Trên thực tế, rất ít các cặp đôi hòa hợp ngay từ khi kết hôn. Để xây dựng được tổ ấm hạnh phúc, bền chặt, cả hai phải dần thay đổi, hoàn thiện và hy sinh vì nhau.
Khi gặp phải mâu thuẫn trong cuộc sống hôn nhân, cả hai cần giữ bình tĩnh để có thể tìm ra hướng giải quyết phù hợp nhất. Dưới đây là một số lời khuyên từ các chuyên gia dành cho các cặp chồng gặp phải mâu thuẫn, tranh cãi trong cuộc sống:
- Khi đang nóng giận, cả hai không nên tranh cãi vì rất khó có thể kiểm soát lời nói. Lúc này, các cặp đôi nên dành thời gian để điều chỉnh tâm trạng và nhìn nhận lại vấn đề. Sau đó, có thể trao đổi để cùng tìm ra hướng giải quyết thỏa đáng nhất.
- Hôn nhân khác với các mối quan hệ thông thường. Khi bước vào cuộc sống hôn nhân, vấn đề quan trọng không phải là ai đúng – ai sai mà cả hai đều cần phải thay đổi, hoàn thiện để phù hợp với nhau hơn.
- Những cặp đôi sắp kết hôn nên tham gia một số khóa học để trang bị kỹ năng hóa giải mâu thuẫn, tranh cãi. Thực tế, ngoài sự chuẩn bị về tinh thần và tài chính, kỹ năng sống cũng là vấn đề cần thiết mà các cặp đôi cần chuẩn bị trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân.
- Mâu thuẫn, tranh cãi là những vấn đề khó tránh khỏi khi chung sống. Nếu cả hai đều có “cái tôi” quá lớn, mâu thuẫn sẽ trở nên sâu sắc qua thời gian và hậu quả có thể là sự rạn nứt của mối quan hệ. Vì vậy, thay vì trách móc, chì chiết nhau, cả hai phải cùng nhau tìm hướng giải quyết. Trong trường hợp cần thiết, có thể nhờ sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý để thấu hiểu nhau hơn.
- Các nghiên cứu cho thấy, những cặp đôi ít tranh luận và không chia sẻ với nhau thường xuyên có nguy cơ rạn nứt cao hơn. Bởi mâu thuẫn không được giải quyết sẽ tích tụ dần và trở thành “tảng đá vô hình” ngăn cách giữa hai người. Do đó, nếu có vấn đề phát sinh, cả hai cần thẳng thắn trao đổi thay vì tự xử lý.
Trên đây là một số vấn đề thường gây mâu thuẫn trong cuộc sống hôn nhân. Như đã đề cập, việc tranh cãi là gần như không thể tránh khỏi khi chung sống. Chính vì vậy, các cặp đôi cần phải chuẩn bị vững vàng về mặt tâm lý trước khi bước vào đời sống hôn nhân.