REVIEW SÁCH HÀNH TRÌNH VỀ PHƯƠNG ĐÔNG

 
“Hành trình về phương Đông” là cuốn sách có thể tác động mạnh mẽ, thay đổi cách nhìn nhận và hiểu biết của bạn về thế giới tâm linh. Trước khi đọc cuốn sách, bạn có thể đã từng nghĩ rằng tâm linh chỉ là những điều mê tín dị đoan, nhưng những lý luận khoa học đằng sau các bí ẩn sẽ khiến bạn bất ngờ và không thể bỏ cuốn sách xuống cho tới khi đọc đến trang cuối cùng. Nếu bạn đang quan tâm những nội dung thú vị này, hãy cùng với chúng mình đi tìm hiểu ngay nhé.
“Hành trình về phương Đông” là cuốn hồi ký của tác giả Baird T. Spalding (1872-1953). Ông là nhà văn người Mỹ, trong một số cuốn sách của ông ghi rằng ông sinh năm 1857 tại Anh. Phần lớn cuộc đời của Spalding dành cho công việc thợ mỏ ở miền Tây nước Mỹ. Ông cũng là tác giả loạt sách Life and Teaching of the Masters of the Far East (Cuộc đời các chân sư Phương Đông).
 
“Hành trình về phương Đông” được dịch và phóng tác bởi Nguyên Phong, tên thật là Vũ Văn Du, hay còn được biết đến là giáo sư John Vũ, hiện nay ông là viện trưởng Viện Công Nghệ Sinh học tại trường đại học Carnegie Mellon ở Hoa Kỳ. Bắt đầu sang Mỹ du học từ năm 1968, giáo sư John Vũ từng đảm nhận rất nhiều vị trí quan trọng tại Mỹ và được mời giảng dạy ở nhiều quốc gia trên thế giới về lĩnh vực khoa học. Nhưng ông cũng là người có tầm hiểu biết sâu sắc và nghiên cứu về các giá trị văn hóa và tâm linh phương Đông.
 
Bên cạnh tác phẩm bất hủ “Hành trình về phương Đông”, bạn đọc có thể tìm đọc rất nhiều tác phẩm của ông như Ngọc sáng trong hoa sen, Minh triết trong đời sống, Đường mây qua xứ tuyết… và tác phẩm mới nhất của ông được xuất bản năm 2020: Muôn kiếp nhân sinh.
 
Có rất nhiều bí ẩn đằng sau sự xuất bản của cuốn sách “Hành trình về phương Đông”, tuy là một tác phẩm được dịch lại, nhưng lại không thể tìm được bản gốc tiếng Anh của tác phẩm ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, ngay cả bản tiếng Anh được xuất bản năm 2009 và được yêu thích bởi rất nhiều độc giả Mỹ và phương Tây đón nhận cũng là được dịch lại từ bản tiếng Việt của giáo sư John Vũ.
 
“Hành trình về phương Đông” kể về hành trình và trải nghiệm của những nhà khoa học hàng đầu của hoàng gia Anh đi sang Ấn Độ tìm cách lý giải về những bí ẩn tâm linh và khả năng siêu nhiên của con người. Trong suốt hơn hai năm đi khắp nơi tìm hiểu, nhóm những nhà khoa học chỉ gặp được những điều mê tín dị đoan, những trò lừa đảo của những đạo sĩ, pháp sư nhằm trục lợi.
 
Nhưng cuộc gặp gỡ tình cờ với một người Ấn lạ kỳ, đã mở đường cho các nhà khoa học hiểu biết sâu hơn, thậm chí chứng kiến, trải nghiệm những điều huyền bí về những phương pháp cổ xưa của người Ấn Độ như Yoga, thiền định, chiêm tinh, về luật nhân quả, về cõi vĩnh hằng, về sự sống và cái chết…. Nhưng quyết định của chính quyền Anh Quốc về việc dừng cuộc nghiên cứu đã buộc các nhà khoa học phải quay về và không được phép nói về bất cứ điều gì họ đã chứng kiến tại Ấn Độ.
 
Sau cùng, có ba nhà khoa học đã từ bỏ tất cả, ở lại bắt đầu cuộc hành trình của mình dưới chân núi Hy Mã Lạp Sơn, trong đó có giáo sư Spalding.
Trong cuốn sách, tác giả nêu rõ sự đối lập giữa hai nền văn hoá: Phương Đông thì quá nhiều lòng tin, còn phương Tây thì luôn muốn mọi thứ có logic, chứng minh bằng vật chất. Cả hai đều có khiếm khuyết và cần bổ trợ cho nhau. Cuốn sách như mở ra cầu nối giữa khoa học và minh triết, giúp thế giới hài hoà hơn. Những điều khoa học hiện đại chưa thể chứng minh thì các cao nhân Ấn Độ đã thấu tỏ từ hàng ngàn năm trước.
 
Trong cuốn sách có rất nhiều câu chuyện rất thú vị. Nhưng mình đặc biệt dành tình cảm cho câu chuyện “Khoa học thực nghiệm và khoa học chiêm tinh bí truyền”. Bởi mình cũng là người vừa thiên về khoa học thực nghiệm vừa thiên về những sự huyền bí mà con người đang trên hành trình khám phá. Chính vì thế, mình cũng muốn chia sẻ câu chuyện này đến các bạn.
 
Câu chuyện kể về hành trình nghiên cứu về nền văn minh Ấn Độ của các nhà nghiên cứu Châu Âu. Qua cuộc nói chuyện giữa các nhà khoa học nổi tiếng của Hoàng gia Anh như giáo sư Allen, giáo sư Mortimer, giáo sư Oliver,… với Sudeih Babu – Nhà chiêm tinh giỏi nhất Ấn Độ. Tại đây, chúng ta đọc được một lượng kiến thức khổng lồ về toán học, hóa học, sinh học, lịch sử,… Tất cả được nhà chiên tinh học vĩ đại tóm gọn và phân tích cụ thể. Ông Babu giống như một nhà bác học vĩ đại, có kiến thức sâu rộng về thế giới. Cũng từ đó, ta bắt gặp cuộc gặp gỡ giữa khoa học hiện đại duy lý với chiêm tinh học – thiên về thần giáo. Nhưng nó được Babu tóm gọn và làm dung hòa. Cũng từ đó mà giúp cho những nhà khoa học, những người theo trường phái duy lý, duy vật có cái nhìn khác về trường phái duy tâm, thần giáo. Và cũng là bài học về sự khiêm tốn và cái nhìn đa chiều.
 
Mình xin trích một đoạn ngắn trong câu chuyện, sau nhiều lần phân tích về toán học và những quy luật tự nhiên dựa trên phân tích số liệu của nhà Chiêm tinh Babu, thì ông vấn tiếp tục phân tích dưới góc độ sinh vật học, hóa học, sử học. Và đây là một đoạn ngắn tác giả phơi bày kiến thức uyên bác của Babu như sau: “Toàn thể phái đoàn kinh ngạc trước kiến thức quảng bác của nhà chiêm tinh gầy gò, bé nhỏ này. Không ai ngờ một xứ chậm tiến như Ấn Độ lại có một nhà bác học uyên thâm như vậy. BaBu mỉm cười nói tiếp:
Có lẽ các ông còn nhiều phân vân. Thôi được, hãy nói về yếu tố di truyền cho thực tế hơn… Giáo sư Mortimer toát mồ hôi trán. Lịch sử Châu Âu đối với ông nào có xa lạ gì, nhưng sự giải thích của Babu đã làm ông bừng tỉnh. Toàn thể phái đoàn đều bàng hoàng, khâm phục Babu. Trong một buổi chiều, nhà chiêm tinh xứ Ấn đã hùng biện, dẫn chứng về toán học, sinh vật học, triết học, tôn giáo và cả lịch sử Châu Âu như một học giả uyên bác nhất. Kiến thức của ông đã chinh phục tất cả mọi người. Giáo sư Mortimer run giọng:”
 
Cũng từ cuốn sách mà chúng ta tìm đến với những triết lý uyên thâm: “Chúng ta càng ham muốn thì càng sợ hãi, càng sợ hãi thì càng đau khổ. Đúng thế, chúng ta có tính hay quên, nên cứ phải học đi học lại cái bài học đau khổ. Chỉ khi bị khổ sở, bị đàn áp, tự do bị chà đạp, con người mới quay về với niềm hy vọng cuối cùng là đức tin. Khi sung sướng ít ai nghĩ đến việc tu thân cầu giải thoát. Khi cơ thể bệnh hoạn, ta mới thấy khỏe mạnh là hạnh phúc. Khi bị tù đày, ta mới thấy tự do. Tiếc rằng khi khỏi bệnh, ta không ý thức nguyên nhân đã gây nên bệnh đó, mà tiếp tục một đời sống như trước, do đó, ta cứ bị bệnh hoài.”
 
Hành trình về Phương Đông mở ra một chân trời mới để Đông – Tây gặp nhau, để khoa học – Minh triết hội ngộ, để Hiện đại – Cổ xưa giao duyên, để Đất – Trời là một. Thế giới, vì vậy đã trở nên hài hòa hơn, mở rộng, diệu kỳ hơn và do đó nhân văn hơn.
Tóm lại, Hành trình về phương Đông là một cuốn sách chứa đựng nhiều kiến thức bổ ích, triết lý dễ hiểu, nghiêng về tâm linh và niềm tin. Giúp ta biết được những lợi ích từ việc ngồi thiền, tập yoga,… Nếu là người đang bắt đầu tìm hiểu về tâm linh thì bạn nên tìm đọc để tham khảo.
 
MUA SÁCH TẠI ĐÂY